Saturday, October 7, 2017

LÀM THƠ THỜI CHIẾN


Cao Vị Khanh

Bóng qua trên cành khô

Năm 1972, lệnh đôn quân. Học trò giữa năm đệ nhị đệ nhứt quá tuổi ấn định được gọi trình diện Trại nhập ngủ số 4.

Mấy đứa con trai mặt mũi non choẹt, thằng dửng dưng, đứa mếu máo cùng ông thầy trẻ chênh lệch nhau chừng vài tuổi kéo nhau ra quán bày tiệc bồ đào. Rượu vào lời ra. Và thơ ra luôn. Ngày mai em xa trường. Chiều nay uống rượu suông. Em mời tôi quán nhỏ. “ Dô”, thầy. “ Dô”, lệ tuôn.

Không khí bữa đó đã chờn vờn đâu sẵn mớ dấu hiệu phong ba. Mấy trận đánh lớn ở Quảng Trị, cao nguyên và Vùng ba từ vài tháng trước như còn thổi tạt mùi khói súng khét lẹt xuống tận mấy cái khu phố đồng bằng vốn yên tỉnh như mặt nước biển của một vùng vịnh kín ... Chiều gần tắt mà nắng còn lướt thướt rướm vàng trên mấy đọt sao thưa. Quán là một căn nhà vách ván lợp tôn được ngăn ra làm hai. Một nửa trước được chủ nhân kê mấy bộ bàn ghế cũ, ọp ẹp làm nơi tiếp khách. Và nửa sau độ chục thước vuông làm nơi ăn ở cho gia đình với hai đứa con nhỏ. Người chồng là thương phế binh, giải ngủ với cánh tay cụt. Người vợ, khuôn mặt lúc nào cũng đỏ hồng vì lửa củi, đôi khi vừa nấu nướng vừa chăn giữ hai đứa nhỏ. Quán còn một cô gái nửa tỉnh nửa quê làm chiêu đãi, đi ra đi vô bưng dọn, thỉnh thoảng nháy nháy con mắt hiền khô liếc tình mấy chàng chuẩn-chiến-binh mặt mày còn búng ra sửa. Hẵn cô đâu biết chiều nay cái quán nhỏ xập xệ của cô bỗng trở thành một quán biên đình, chỗ chia tay “ hảo hớn” !

Sau mấy tuần rượu nếp than đỏ quạch, bữa nhậu chỉ còn là một cái cớ. Học trò có đứa mới uống rượu lần đầu bắt đầu rươm rướm nước mắt, có đứa lì lợm hơn không khóc mà con mắt bỗng dưng hiền khô như mắt nai. Từ quầy

thu tiền, cái ra-dô-ấp-chiến-lược vừa phát ra bản tin chiến sự trong ngày. Lại ... quân ta vô sự, địch bỏ lại mươi ... con.

Ông thầy có một lúc cũng không nhớ mình làm thầy, gật gù cụng ly rồi lẩm nhẩm mấy câu thơ tàu cho học trò mình nghe ... khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu ... tây xuất Dương Quan vô cố nhân ... Học trò nửa hiểu nửa mù mờ cũng gật gù làm ra vẻ thấm thía lắm, ngửa cổ nốc ực cái ly cối bự tổ chảng ... làm trai thời chiến ... anh đi quân dịch là̉ thương nòi giống ...

Ngày mai em xa trường
Chiều nay uống rượu suông
Em mời ta quán nhỏ
Dô, thầy. Dô, lệ tuôn !

Vậy đó, có một thời người ta sống giữa cái chết. Và người ta làm thơ. Mà thơ tận tình. Móc ruột moi tim ra mà làm. Từ đó thơ bay phơi phới giữa khói súng và lằn đạn. Từ đó thơ bay thênh thang trên hoang tàn của sông nước và thương phế của lòng người. Thơ lênh láng như vết thương hở miệng nhưng thơ không nhuốm máu căm thù. Thơ chỉ biểu lộ lòng nhân hậu ngay cả khi hồn thơ còn bị dùi vập trong sắt thép đạn mìn, hầm chông và sự cuồng tín ngu muội.

Đọc lại trong một số báo cũ, bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn về cái chuyện người lính sáng sớm đi kích đêm về, ghé quán vệ đường khi áo trận còn nhuốm lạnh mùi sương, ngồi ghếch chân lên bàn, vừa nhấm nháp cái vị đăng đắng của cốc xây-chừng nóng hổi vừa hít hít cái mùi khen khét của khói thuốc Ruby-quân-tiếp-vụ ... mà biết mình còn sống ... (và hẵn rằng lẫn trong đó, mơ hồ một niềm vui mỏng manh khi thấy cuộc sống chung quanh vẫn còn tiếp diễn bình thường sau một đêm căng cứng trên đầu súng mình canh giữ )

Người lính đêm qua đi kích về ghếch chân lên ghế
Chiếc xe chở những ổ mì vàng nóng hổi
Cười nụ cười đầu tiên trong ngày
Và bật que diêm hút thuốc

Sao tôi yêu cái hình ảnh đó quá. Ghếch-chân-lên-bàn. Nó kiêu kỳ một cách lặng lẽ. Nó du côn một cách thi vị. Và nó lãng-mạn-tiểu-tư-sản một cách hồn nhiên. Và que diêm. Và khói thuốc. Và mặt trời sẽ mọc. Và một ngày sẽ đến. ... Nghĩa là tôi chưa chết. Nghĩa là cuộc sống vẫn còn đó với đủ thứ mật ngọt

và thuốc độc, còn đó với đầy đủ môi hôn - môi hôn lần tới sẽ khít khao hơn và tay nắm - tay nắm lần tới sẽ ghịt riết hơn, còn đó với đầy đủ chuyện như ý và bất như ý, chuyện trong sạch và chuyện tham nhủng, chuyện anh hùng và chuyện cà-chớn nghĩa là còn đủ thứ hầm-bà-lằn-xắn-cấu chuyện đáng nói và không đáng nói ... mà còn chuyện gì nữa ở đằng sau những thi ảnh quen thuộc đến tầm thường mà lại chân thật hơn bất kỳ thứ lý tưởng nào được kê trong những tuyên ngôn lằng nhằng như toa

thuốc bắc – tiền đồn chống cộng, chiến sĩ tự do ... kể cả độc lập, tự do, hạnh phúc dù có được viết hoa thiệt bự. Đổi cái huy chương anh dũng bội tinh với cái bữa điểm tâm sơ sài đó, chắc có người không đổi ! Tôi biết đối với một người thường - chữ thường được hiểu như là ... thường, thì cái chuyện uống ly cà-phê buổi sáng cũng sẽ đăng đắng mà trưa trưa chiều chiều thì ly cà-phê cũng đắng đắng y chang. Còn lại cái loài thi sĩ thì là cái giống khác. Một người làm thơ gốc lính khác, Trần Hoài Thư, dù trong cái buổi sáng sớm y như trăm ngàn buổi sáng khác, vẫn tìm ra trong đó một ... vị thơ.

Gọi cốc cà-phê un khói gió
Mấy thằng râu tóc chụm thanh xuân
Vách trống, sát vào nhau đỡ lạnh
Trời ngoài kia sương phủ mênh mông

Cà-phê ở đâu, thời nào cũng là cà-phê. Mà sao cà-phê trong thời loạn lạc đó nghe ra nó phê mút chỉ. Thì cũng là loại cà-phê bít-tất trong một góc quán vệ đường, thứ quán xá mở cửa thật sớm cho những người mất ngủ – dân lao động, gái giang hồ, lính tráng ... trở về sau những cuộc mần ăn đêm. Chỉ khác cái chỗ cà-phê ở đây không ướp va-ni, không trộn xác cau khô hay pha chút sái nhựa, cà-phê này lại đi un khói-gió - thứ gió Lào khô khốc, thứ gió chướng thổi bung tóc mai dựng đứng tóc gáy, thứ gió bấc cứa xương đục đẽo lên mặt người nỗi đau của đá ... cho nên cà-phê, chất cà-phê thi vị đó trở thành chất xúc tác huyền nhiệm làm bật dậy cuộc sống, như để dằn xuống một đêm ( tai ương ) vừa qua và chào đón một ngày ( hy vọng ) sắp đến. Chất cà-phê pha loảng mà đặc quánh hơi thở nhịp tim của những người trở về từ một cõi chết.

Thôi, chắc lại sắp vẽ rắn thêm chân ...

Có điều trong suốt cuộc-chiến-gọi-là-ý-thức-hệ đó ( tính luôn cả hai bên nam bắc với lại mớ đồng-minh-da-trắng-đồng-chí-da-vàng đó ) có mấy ai làm thơ ngông nghênh mà hiền như cục đất vầy chưa

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày mai
NBS

Nghe mà thương ơi là thương cái đám lính tráng thời loạn đó. Đi trận mà, rừng bịt mắt, bùn níu chân, cực khổ cầm chắc, chết chóc không chừng, lần này về, lần tới biết có về không ... thì thôi về được thì ghé xóm thăm-dân-cho-biết-sự-tình một phát cho chắc ăn, rồi sao nữa tính sau. Cái nhân sinh quan đó, nếu gọi được là nhân sinh quan, nghe nó vừa chịu chơi vừa bi quan quá thể. Tại vậy thơ đọc thì tai nghe vui mà lòng thì ngẫm ra mấy nỗi ngậm ngùi. Có phải chính sự bức bách của tình thế, sự mập mờ của ý thức, sự lẫn lộn của màu da ... đã làm thơ ra nỗi ấy. Tuy nhiên cái điều kỳ diệu là dù có bi quan cách mấy thì vẫn còn đó cái tính nhân bản cố hữu và tuyệt vời đã làm thơ nhìn thấy những điều khó thấy trong cuộc chiến-tranh-mà-mắt vừa qua

Cô hàng ơi cho một ly không
Tôi rót mời một người lính Bắc
Hắn nằm banh thây dưới hầm bí mật
Trên người vẫn còn sót lại bài thơ
THT

Bài thơ trên xác kẻ địch ! Thi ảnh đẹp đến rợn người. Thử tưởng đến cảnh đạn xẹt tứ tung, khói súng khét lẹt, máu me tùm lum, thịt thà nát bấy ... mà đâu đó lấp ló tỉnh bơ một trang thơ mới làm ( thơ = trời xanh mây trắng, thơ = nhớ cha nhớ mẹ, thơ = hoa bướm rủ ren, thơ = nhớ bồ nhớ bịch ... ) Vấn đề là làm sao cho con mắt thấy ( đã lắm khi con mắt nhìn trao tráo mà chẳng thấy gì ráo ! ) Và làm thơ cũng từ cái thấy của con mắt nhân ái đó, phải không ?

Hỏi khắp cả bộ-đội-xẻ-dọc-Trường-sơn-đi-cứu-nước ( kể cả anh nuôi chị nuôi tập kết nằm vùng ... ) có ai trong suốt cuộc-chiến-giải-phóng-thần-thánh vừa qua đã lần nào nhìn thấy trên khuôn mặt xác chết lính miền Nam một nét gì thân thiện, đồng chủng, anh em, ruột rà ... , đã có lần nào “ bức xúc ” dù chỉ một thoáng, dù chỉ một chớp mắt băn khoăn ... ? Hay chỉ thấy toàn ác-ôn-mỹ-ngụy-mặt-xanh-nanh-vàng ... dù người chết đã ... chết ! Hay đã có mà không dám lộ ra ! Hay chỉ mới chợt thoáng nghĩ là đã hốt hoảng lảng qua chuyện khác vì sợ kiểm thảo, sợ phê bình, sợ mất lập trường, sợ xuống cấp, sợ mất chế độ, sợ học tập, sợ cải tạo, trăm thứ sợ làm tê liệt thần kinh như con chuột xuội lơ trước cặp mắt hớp hồn của loài rắn độc.

Nhớ cái thời sau 75, ở miền Nam nghe loáng thoáng người ta nhắc hai câu thơ của ai đó – ai mà biết ai, mà có lỡ ai biết thì có đường tác giả đi cải tạo mút mùa – mà hổng chừng cũng đã biệt tăm mất dạng hồi nào trong cái mê cung tẩy nảo chỉ có đường vô không có đường ra. Thơ, thơ lắm chớ. Mà không ai nhận –ai mà dám nhận – đành bỏ làm thơ hoang ! Đôi dép râu buộc chặt đời trai trẻ. Nón tai bèo che kín cả tương lai.

À thì ra vậy.

Có lúc cái đám bộ-đội-tình-nguyện-xung-phong đi B hay cái đám du-kích- khăn-rằn cũng hơi hơi hay xém xém lao chao chút đỉnh. Nhưng rồi đường lối chỉ đạo vừa sâu vừa sát vừa át vừa ép nên cả đạo quân viễn chinh vẫn tỏ lộ trên dưới một lòng, cả ngày cả đêm khăng khăng nói quyết tới cái chuyện ôm-bom-ba-càng hay lấp-lổ-châu-mai ... bất kể cha già mẹ yếu vợ dại con thơ, phó mặc nhân tình nhân ngải cho Bác lo, bỏ xó nhà cửa ruộng vườn cho Đảng ôm trọn... miễn sao chiếm cho được cái vựa lúa miền Nam để có ngày dưng cho quan thầy phương Bắc, thành ra rốt lại cả mấy chục năm ròng rã đóng chốt trên chiến trường miền Nam không nghe ra được nửa tiếng thơ nhân ái ...

Tại vậy làm sao không vẽ rắn thêm chân cho đành, những bài thơ được làm ở miền Nam trong một thời chiến trận mịt mù mà hồn thơ không vướng víu chút mảy may thù hận.

Hãy thử đọc lại coi.

Có phải câu hỏi của Tô Thùy Yên trong bài Chiều trên phá Tam Giang vẫn mãi là ngón tay tra vấn gỏ hoài lên tấm cửa định mệnh cứ đóng bít bùng

Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng
Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm
Có cùng gom góp lại
Mặt đất này đổi khác được bao nhiêu

Câu hỏi đẩy sự bất lực của bậc vương-tôn-miền-trí-tuệ đến chỗ cực cùng trước nỗi hung hãn bất kể của thiên-địa-bất-nhân. Hay chính là lời tán thán ai oán của kẻ sĩ trước thứ bạo lực mù quáng của Ác tính đội lốt con người.

Đọc lại nữa coi, Nguyễn Bắc Sơn, kẻ-sĩ-xuân-thu đầu thai nhầm lúc nên đi đánh giặc mà như đi rong thuyết khách, giận-đời-ghê-những-bàn-tay-bẩn-đưa-đẩy-ngươi-trong-cát-bụi-mù. Làm sao, làm sao giữa thời buổi bom đạn

hỗn mang và lòng người nhiễm độc đó mà thơ thoát ra, lau lách như khói hương và hiền lành như tâm Phật

Một ngày chúa nhật phơi giày trận
Ta bỗng tìm ra một vết thương
Vết thương bàng bạc như là khói
Ngưng đọng nhà ai ở cuối đường
NBS

Vết-thương-như-là-khói. Ẩn dụ bao nhiêu, bao dung bấy nhiêu. Vết thương không còn là dấu tích của thù hận. Vết thương thành khói bay đi phải chăng chính là niềm ao ước xóa bỏ hận thù ngay từ lúc hận thù còn được tận dụng như vũ khí của chiến tranh. Ước vọng đó có thật trong lòng người miền Nam ngay trước khi bại trận. Phải chi lịch sử đổi ngược lại chắc khỏi phải kêu rêu ra rả tới bây giờ.

Kêu ra rả tới bây giờ như tiếng quạ gọi âm hồn dội động u u giữa vòm đêm lịch sử mà vẫn không xóa được nỗi oan khiên của một dân tộc bị lường gạt.

Lũ quạ trốn đi từ dạo ấy
Để giờ đây kêu động rừng phong
Quạ gọi bầy tháng năm tháng bảy
Sao ta gọi bầy thăm thẳm mù tăm
THT

Làm thơ là đem tấm lòng thiên cổ đọ với nhân gian. Thì sá chi chuyện chim sẻ mà làm bợn lòng hồng hộc. Chiến tranh dẫu ba mươi, năm mươi năm vẫn là giai đoạn. Đánh giặc là chuyện đoản kỳ. Làm thơ mới là chuyện mai hậu. Sống trong thời buổi chiến tranh, làm thơ hẵn không tránh khỏi lòng thòng phe kia phái nọ.

Mà điều để cho thơ mang tiếng bất nhân âu cũng là điều bất nhân lắm vậy.

Cũng may, ngay trong thời súng đạn, còn có những bài thơ làm với mấy tấm lòng đã sống vượt qua cái thời giặc giã.

CAO VỊ KHANH

* Thơ văn chỉ là phù hoa. Chớ cái biển oan khiên của người bại trận có tát đến ... khuya cũng không cạn


No comments:

Post a Comment