Saturday, August 19, 2017

GLOOMY SUNDAY


Tố Nghi 
                              
Gloomy Sunday. Rezso Seress

Gloomy Sunday.Billie Holiday

Gloomy Sunday là một khúc nhạc Hung Gia Lợi nổi tiếng, viết đâu đó trước đệ nhị thế chiến, 1932. Nghe nói tác giả Rezso Seress bị đào đá quắn đít, ôm cái bàn toạ sưng phồng dzìa nhà, ngồi nằm cũng hổng đặng mới lòng dzòng ra đường phố Paris, ngó ông đi qua bà đi lợi, thấy đời sống buồn hiu, thế là ý nhạc xuất hiện trong đầu. Đứa thất tình trở dzìa gác trọ giấy bút viết ra khúc tình ca (trong tư thế chồm hổm có lẽ). Bài hát khi ấy mang ý hướng một lời khẩn cầu, cho dù giai điệu bắt tai nhưng hổng ăn khách lắm. Mãi cho tới thập niên 50 sau đệ nhị thế chiến, một văn thi sĩ đã đặt lời khác cho nó. Lời hát ảo não thê lương làm khúc nhạc dậy tăm dậy tiếng tại Âu châu, hạp tình hạp cảnh với Âu châu điêu tàn đổ nát khi ấy. Tại Mỹ nó được nữ hoàng blue-jazz Billie Holiday hát với một verion mới - hổng rõ của bà hay của ai nữa lận - Gloomy Sunday nổi đình nổi đám tới độ trở thành huyền thoaï "xui xẻo có huông" : Người đang vui nghe nó xìu xìu, người đang xìu nghe liệt giường liệt chiếu, và người thất tình nghe nó tà tà uống thuốc chuột hay nhảy sông nhảy lầu kết thúc cuộc đời. Gloomy Sunday đã gây tới hàng chục vụ tự tử trên khắp thế giới, tới nỗi đài phát thanh BBC đã phải loại nó ra khỏi danh sách nhạc phát sóng mãi tới 2002. Tác giả của nó cũng tà tà tự vận đâu đó cuối thập niên 60.

Gloomy Sunday được dùng làm nền để dựng cuốn phim cùng tựa. Bối cảnh phim xảy ra trong đệ nhị thế chiến tại Budapest – Hungary. Đất Hung đậy sóng, Đức quốc xã tiến quân vào và cuộc tắm máu chủng tộc Do Thái tại Âu châu bắt đầu. Phim kể chuyện tình yêu - tình yêu thuần tuý hay trộn lộn tình dục lại còn tuỳ cảm quan khán giả thưởng ngoạn -
…. Cả Đẫn làm chủ mình một quán ăn ngay thủ đô Budapest. Đẫn đâu đó ba mươi ngoài, mặt mũi phúc hậu, tốt tánh, hiền lành dễ dãi, và tận tụy yêu nghề tới nỗi không bao giờ đóng cửa nhà hàng với bất kỳ lý do gì - tuy có máu Do Thái trong người mà cứ tỉnh bơ mở cửa luôn ngày Sabat - Quán khấm khá, phần vì khung cảnh lịch sự, tiếp đón ân cần, phần vì có món roulade thịt bò cuốn lá lốt hạp khẩu vị thực khách.
Tiệm có cô hầu bàn Thuý Kiều trẻ đẹp dễ ưa, mắt mũi tươi rói trăng rằm, tóc mây buông thả bờ vai, miệng tươi như hoa hàm tiếu và ánh mắt đa tình - liếc một cái nghiêng bàn, liếc hai cái nghiêng ghế - Y chang Đẫn, Thúy Kiều hổng thấy có thân bằng quyến thuộc chi dzáo. Nghe nói có dạo nàng vào Học viện âm nhạc thành phố khoa "thanh nhạc" rồi bỏ đở - bỏ vì thiếu tài hay bỏ vì chiến tranh hổng rõ - Thúy Kiều với Đẫn có tình gắn bó già nhơn ngãi non vợ chồng. Đại khái... tạm thời... Đẫn là đại lý độc quyền không có, chưa có giấy phép chánh thức. Trong đám cây si trồng tại quán, có tiểu thương Mã Giám Sanh từ Đức sang. Mã si mê Thuý Kiều, mỗi bữa tới quán vừa ngó nàng vừa đớp roulade lai rai, chờ dịp thố lộ can tràng. Rồi một dương cầm thủ  được tuyển vào quán chơi nhạc sống tối tối giúp vui. Nhạc sĩ mặt mũi tướng tá sạch nước cản, nhưng chời hỡi chời.. cập mắt buồn rười rượi long lanh nước hồ thu, miệng ngậm tăm như đang nuốt tâm sự vào lòng. Tình tới đây sanh thặng dư nhơn mãn tay ba tay bốn, rối tinh lên chẳng còn biết đâu cắt nghĩa cho thông.
Tình yêu vốn là thứ nhơn gian tới chết vẫn hổng hiểu nổi, ngủm vì nó mà cũng hổng biết tại sao, dzậy mới ly kỳ ! Y hình (dà, bị hổng chắc) tình yêu là chiếm đoạt để sở hữu. Nó là cục hột xoàn to đùng (rất dễ gợi lòng tham đại chúng) trong cái két sắt chỉ có một chìa duy nhứt mà thôi. Nên rồi để chắc ăn, chủ nhơn cái két mới đeo tòng teng chiếc chìa khóa ni ngay cần cổ, "make sure" hổng xảy ra việc trộm đạo làm cái duplicata, rồi thong thả vào ra... đeo ké. Nếu chỉ ngó vào cốt truyện thì phim hổng có chi đậc biệt dzáo chọi. Tình yêu trong Gloomy Sunday làm người xem chưng hửng, hổng tức dùm mà cũng hổng ngậm ngùi dùm luôn - ai biểu ngu ráng chịu - Nhưng... ngộ cái ... người ta vẫn thong thả coi một lèo từ đầu đến cuối, háo hức mà coi cho dù tình tiết hiển nhiên tới độ có thể đoán ra trước kết thúc.

Tóm lợi...  Gloomy Sunday hổng phải drama mà là comedy thứ thiệt, cho dù có tới ba trự lăn cổ ra chết tốt vì tình. Sau cùng Gloomy Sunday hay ở chỗ nào ? Thưa  phim hay vì hình ảnh đẹp, góc quay tới, cắt xén gọn gàng, phân cảnh bố cục đâu vào đấy, trơn tuột êm ru. Phim dẫn người xem vào một âu châu trữ tình và thơ mộng, với khung cảnh sống thi vị mơ hồ lãng đãng, toả ra từ con người, trang phục, sanh hoạt thường nhựt. Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, phim kết thúc và kết thúc rất có hậu,

Xem phim ở đây

Nghe hát ở đây


No comments:

Post a Comment