Thursday, April 20, 2017

ĐỌC EM ĐIÊN XÕA TÓC CỦA KIỆT TẤN


Huyền Chiêu

Tranh minh họa của Huyền Chiêu

Đọc Kiệt Tấn thấy quanh quẩn hai ni thèm.
Thèm chết và thèm đàn bà.

Trong “Thư Cho Lộc” ông viết “ Nhiều lúc em thèm chết vô kể. Em muốn mình mất tích, không còn để lại một dấu vết nào trên quả địa cầu yêu dấu này”
“Quả nhiên, em đã  nhiều lần trải qua dự tính tự hủy diệt. Và lần cuối cùng kéo dài liên tiếp trong bốn tháng…”
Và giống như những con hồ ly tinh trong những câu chuyện của Bồ Tùng Linh luôn khao khát có được chút tinh lực của người chuyền cho để hy vọng được biến thành  người, Kiệt Tấn tìm kiếm sợi dây kết nối với cuộc đời qua những mê đắm thân xác nơi đàn bà.

Nhưng tình dục có cứu rỗi được Kiệt Tấn, có giải thoát ông khỏi nỗi cô đơn bệnh lý  cứ mãi ám ảnh ông đến nỗi ông phải thốt lên rằng : “Em sợ có một ngày nào đó em nổi điên bất khả  phục hồi. Người ta sẽ nhốt em vĩnh viễn trong  một trại điên, hoặc em tự hủy diệt đời mình trong một cơn chấn động tâm lý” ?
Kiệt tấn đã tự trả lời câu hỏi: “ Khốn nạn thay, em có trái tim tật nguyền.  Đối với đàn bà, em chỉ biết si tình và đam mê thôi, chứ em không biết yêu. Em muốn nói yêu theo cái nghĩa yêu bằng một tấm chân tình đằm thắm và thiết tha”.
Và tôi đã rất mừng cho Kiệt Tấn vì tôi tìm thấy “một tấm chân tình đằm thắm và thiết tha” của ông  trong “Em Điên Xõa Tóc”.
Thường, tôi rất sợ người điên. Một người hiền lành bình thường khi nổi cơn điên có thể trở nên vô cùng hung hãn. Nhưng bệnh nhân tâm thần Kiệt Tấn thì khác.  Khi  được đưa vào  bệnh viện Paul Brousse, ông đã bay bổng trở nên thánh thiện như một thiên thần khi nhìn thấy thiên thần Evelyne.
Người điên hay ăn mặc nhớp nhúa và đầu bù tóc rối nhưng Evelyne thì không.
Khi nhìn thấy Evelyne, trái tim Kiệt Tấn trở về với tuổi mới lớn: “Nàng đi qua nhanh, tôi trông theo mắt bị thu hút kỳ lạ bởi mái tóc dài ẻo lả trên lưng xuống tận dây nịt.”

Từ đó, giống như nhân vật bầu Coq trong truyện “Tình Nghệ Sĩ”  (****) của Paul Gallico, khi yêu nàng Mouche, ông bầu thô bạo, xù xì đã hóa thân thành những con rối ngây thơ vui nhộn,  Kiệt Tấn quên hết những ngày tháng cô đơn, căng thẳng, quên hết những giây phút đắm chìm trong trụy lạc, để cùng Evelyne bước vào một khung trời có hẹn hò, có đợi  chờ nhung nhớ như hai đứa trẻ bắt đầu biết yêu.
Và mùa xuân đã trở lại rọi những tia nắng ấm vào trái tim lạnh giá của một người vừa mất ngủ đến tám tháng:
“Trời bước vào Xuân với những ngày nắng  càng lúc càng tươi tốt, rạng rỡ. Tôi đánh một vòng qua khỏi hiệu cà phê đến tiệm sách. Tôi giật mình vì từ xa đã thấy nàng đứng đó, trước cửa tiệm sách.
Một người đàn ông dày dạn phụ nữ như Kiệt Tấn nay thoáng thấy bóng nàng đã “giật mình”  là “yêu quá đi mất rồi” (*)
Rồi những câu hỏi “vô duyên” xưa như trái đất:
-Bữa nay trời đẹp thiệt! Cô đi mua sách hả?
Nàng ấp úng
-Không, không
-Cô đang chờ một người bạn chăng?
Nàng lắp bắp :
-Không, tôi không chờ ai hết. Cũng chẳng có ai chờ tôi.
Sau khi rủ Evelyne vào tiệm sách và mua tặng nàng một cuốn Mickey, chàng trai Kiệt Tấn rủ nàng đi tới một vườn hoa ngồi phơi nắng.
“Tôi ngắt một cọng cỏ vò nát trên đầu ngón tay rồi đưa cho nàng ngửi”
Hai  cô cậu  bắt đầu kể cho nhau nghe lý do vì sao mình lại phải vào một nơi không dành cho những người bình thường.
Khi biết mình “vô tình đã đánh thức hoài niệm thương động của người con gái tóc xõa”,
con người tuyệt vọng, cạn kiệt sinh lực  “như hết pile” (**) Kiệt Tấn bỗng trở nên mạnh mẽ và muốn che chở cho cô gái tội nghiệp:
“Mặt nàng nhợt nhạt. Tôi hoảng hốt nắm vai nàng lay tỉnh. Tôi gọi nàng:
-Evelyne! Chuyện đó hết rồi! Chuyện đó hết rồi! Chúng ta đang ngồi trong vườn. Nhớ đi! Nhớ đi! Chúng ta đang ngồi trong vườn hoa.”
Và căn bệnh của ông có vẻ bắt đầu thuyên giảm:
“Tôi ghé tiệm cà phê và gọi chai bia. Đã lâu lắm rồi tôi không uống rượu  vì chẳng thấy thú vị. Muốn trốn thực tại, sau cơn say, tỉnh dậy các khó khăn vẫn còn nguyên vẹn, và càng thêm ngao ngán mệt mỏi. Hôm nay uống bia thấy ngon”.
Bia ngon đã đành, Kiệt Tấn còn thấy Cà rem cũng thật tuyệt vời :
-Evelyne khát nước không?
-Tới này anh mua cà rem ăn cho đỡ khát.
Nàng hớn hở mắt sáng trưng. Nàng lựa cà rem mùi dâu, tôi mùi chanh. Hai đứa liếm láp như con nít, cười ngỏn ngoẻn.”
Lúc này Kiệt Tấn hạnh phúc như chàng Pilot  “đánh giặc về hơi khật khùng” (***) cuối tuần đến đón cô bé Cybèle  bị bỏ rơi ở khu nội trú, đi chơi lang thang trong phim “Les Dimanches De Ville D’ Avray”
Nhưng hạnh phúc như con chim không bao giờ đậu mãi nơi một cành cây.
Khi Evelyne  được chuyển đến một bệnh viện khác để chạy điện, trái tim Kiệt Tấn tan nát.:
“Evelyne ơi! Ngày nào em rời khỏi bệnh viện, ngày nào anh rời khỏi bệnh viện, ngày nào anh và em hết khật khùng, anh hứa sẽ mua cho em cây cà rem và dắt em đi coi hát bóng. Sẽ không coi phim thằng khùng ăn cắp con gà đồng mà sẽ coi phim Thằng Người Gỗ như em vòi vĩnh”
Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao những ai yêu mến Kiệt Tấn đều thích chuyện ngắn “Em Điên Xõa Tóc”.  Câu chuyện trong sáng và đẹp đẽ đến nỗi chúng ta có thể tin rằng chính Evelyne yếu đuối mong manh chứ không phải những cô gái  khêu gợi, quyến rũ đã chữa lành căn bệnh “thèm  chết” của ông điên Kiệt Tấn.

HUYỀN CHIÊU
Tháng 4 2017

(*) Thơ Nguyễn Bính
(**) Chữ dùng của Kiệt Tấn trong Thư Cho Lộc.
(***) chữ trong Em Điên Xõa Tóc.
(****) Tên bản dịch Love of The Seven Dolls , tôi không nhớ tên người dịch sang tiếng Việt.


No comments:

Post a Comment