Saturday, January 31, 2015

THƠ HOÀNG XUÂN SƠN



Morning in a garden. Vladimir Zhdanov

buổi sáng

tôi đi ra ngoài cửa sổ
nhập tôi vào nách cửa chính
tôi và tôi lấp lánh
độ sáng chim chào mào
xác trà và vụn bánh
tôi chào mời một chốc
mới đó.  sương tan nhanh
hà hơi cốc nước nguội
ấp vào tay điềm lành
một ngày không suy nghĩ
một ngày tạnh như kinh
nhoài tôi ra cửa sổ
ngồi lại đêm.  một mình

12 jan 15


đi tìm

vào hẻm rậm rịt tóc xúm xít
mặt trời cưa ngang một đỉnh cây
lá lá lá.  lá um.  và cỏ
tuyền lục thiên nhai.  hoẵng một bầy

rừng cực tím lúc trăng vừa khuất
mây chòm râu thẳng đuột sơn hà
biển lấn vô.  khóc.  nhà quàn trẻ
giọng buồn như một quãng chia xa

có gào đi nữa sương vẫn cứng
giọt giọt giọt giọt.  giọt mưu toan
lôi cổ đồng bằng chôn tập thể
rồi nên mai phục buổi quy hàng

hoàng xuân sơn
9 jan. 2015

KHÔNG CÒN ‘TIẾNG CHIM HÓT TRONG BỤI MẬN GAI’



Nguyễn Xuân Thiệp


Tác giả Colleen McCullough

Tác phẩm The Thorn Birds

Colleen McCullough
bà đã ra đi
không còn tiếng chim hót trong bụi mận gai!
cuộc đời 
từ nay vắng bóng nhà văn.
Nhà xuất bàn Harper Collins đưa tin: Tiểu thuyết gia Colleen McCullough, tác giả Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai – The Thorn Birds- qua đời trưa 29/1 (giờ địa phương) tại một bệnh viện ở Norfolk Island, Australia, hưởng thọ 77 tuổi. Nhà văn qua đời vì sức khỏe tuổi già. Những năm gần đây, thị lực của McCullough giảm sút và chứng viêm khớp khiến tay chân bà tê liệt. Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục sáng tác.

   Ôi, Colleen McCullough. Mình được biết tác phẩm của bà Thorn Birds và cuốn phim Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai với Rachel Ward đóng vai cô bé Meggie dễ thương và Richard Chamberlain trong vai Cha Ralf đầy quyến rũ. Ôi những ngày đói khổ nhọc nhằn ấy dưới bầu trời chp chùng mây ác của Sài Gòn thời đổi chủ, được xem phim Tiếng Chim Hót…dựng từ tiểu thuyết của bà Colleen McCullough, phải nói đó là một hạnh phúc dù mồ hôi và nước mắt đã rơi trên dặm trường nhân sinh. Phải nói cám ơn, cám ơn nữ sĩ đã viết ra một tác phẩm tuyệt vời. Đêm nay, dưới trời khuya khi tiếng gió mùa đông rít ngoài mái bạt, tôi ngồi tưởng niệm tới bà với bao cảm xúc trong hồn cô đơn.

    Colleen McCullogh sinh năm 1937, ở Wellington, Tây New South Wales và trải qua những năm đầu đời chủ yếu ở Sydney. Mơ ước thời niên thiếu của bà là trở thành bác sĩ. Trước khi theo học ngành y ở Đại học Sydney, bà từng kiếm sống bằng việc viết báo và làm việc ở thư viện kiêm cả nghề lái xe buýt. Sau đó, trong hơn 10 năm nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Yale, Mỹ, bà viết hai tác phẩm đầu tay. Tác phẩm thứ hai là The Thorn Birds (Tiếng chim hót trong bụi mận gai) ra mắt năm 1977.
     Cuốn sách ngay sau đó bán chạy toàn cầu và được dựng thành loạt phim truyền hình được xem nhiều nhất mọi thời đại. Thành công của cuốn tiểu thuyết giúp bà từ bỏ nghề nghiên cứu khoa học và theo đuổi nghiệp văn chương.
    Cuối thập niên 1970, bà định cư trên hòn đảo biệt lập Norfolk ngoài khơi Thái Bình Dương và lấy chồng là dân bản địa ở đây khi đã 46 tuổi.

    “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Colleen McCullough, đã được bán ra hơn 30 triệu bản toàn cầu, đưa nữ văn sĩ thành một trong những tác giả đầu tiên của Australia thành công trên văn đàn thế giới. Cuốn sách kinh điển kể về tình yêu của cô gái Meggie và vị cha xứ tên Ralph. Những yếu tố hiện thực trong nếp sống Australia hòa lẫn nhuần nhị với chất lãng mạn của chuyện tình khiến tác phẩm rực rỡ phi thường. Nhiều danh mục xếp “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” ngang hàng với “Cuốn theo chiều gió” của Mỹ. Năm 2003, tiểu thuyết được đánh giá đứng thứ 64 trong cuộc khảo sát The Big Read của BBC.
    Không chỉ có cuốn sách lừng danh này, Colleen McCullough còn có nhiều tác phẩm khác: Morgan's Run, The Touch, The Song of Troy, Angel Puss… Tổng cộng, bà viết 25 tác phẩm trong suốt sự nghiệp của mình.


Meggie & Cha Ralph trong phim The Thorn Birds

      Chuyện tình của Meggie với cha Ralph chỉ có thể diễn tả trong mấy chữ "niềm hoan lạc nỗi đau tuyệt vời" và để có được sự tuyệt vời đó, họ đã phải trả giá cả cuộc đời. Như trong lời đề tựa đã viết:"Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại... Ít ra thì truyền thuyết nói như vậy"
     Thứ tình yêu cháy bỏng đến mức đớn đau, thậm chí chấp nhận hy sinh cả mạng sống như thế cũng nảy mầm và bùng cháy trong từng trang sách của Colleen McCullough. Đó là câu chuyện tình giữa cha Ralph De Bricassart và cô thiếu nữ Meggie Cleary, người kém ông tới vài thế hệ.
       Thứ tình yêu cao quý mà cha thề nguyện dành trọn cho Chúa đã bị thay đổi, ngay từ ánh nhìn đầu tiên khi gặp Meggie, từ đó, ông đã hiểu rằng nó sẽ gắn kết và thay đổi cuộc đời hai người mãi mãi. "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" bằng chất văn lãng mạn nhuần nhị như một viên ngọc quý, gieo vào lòng độc giả những cung bậc tình cảm sâu sắc, như tiếng hót bất diệt của loài chim tuyệt đẹp.  
       Sau khi được xuất bản, "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" đã gây ra một con sốt trong cộng đồng người đọc. Cuốn tiểu thuyết được đánh giá ngang ngửa với "Cuốn theo chiều gió" của Margaret Mitchell. "Tiếng chim hót trong bụi mận gai' nổi tiếng đến nỗi nó đã được chuyển thể thành series phim truyền hình ăn khách cùng tên năm 1983 và nhanh chóng trở thành một trong những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại cùng 4 giải Quả cầu vàng cho series phim truyền hình hay nhất (trong tổng số 8 đề cử năm 1984).

      Một ngôi sao đã lặn tắt. Nhiều người thương tiếc bà
      Shona Martyn - giám đốc Nhà xuất bản HarperCollins (Australia) - chia sẻ nỗi buồn trước tin tác giả mất: “Chúng tôi sẽ nhớ bà ấy rất nhiều... Thế giới sẽ trở nên thiếu màu sắc khi mất Col”.
      “Hãy an nghỉ Colleen McCullough. Tôi không thể nghĩ ai có tuổi thơ khốn khổ nhưng lại có một cuộc đời rực sáng với những thành tích huy hoàng như thế” - Richard Glover, một người dẫn chương trình của Đài truyền hình Australia bày tỏ. Còn nhà văn Tara Moss viết: “Thật buồn khi biết tin Colleen McCullough qua đời. Bà là người nhiệt tình, hài hước, rất ủng hộ những nhà văn khác. Hãy yên nghỉ”.
    
      Với Nguyễn kỷ niệm về Tiếng Chim Hó Trong Bụi Mậ Gai thiệt là thân thiết, Nưỏng năm sau 1982 đi tù cải tạo về lang thang rách rưới kiếm sống, trong nắng cháy da và mưa xám mặt, đêm về được nghỉ ngơi xem chuyện tình của cha Ralph và cô bé Mrggie có thể nói đó là một hạnh phúc hiếm hoi giữa cuộc sống nhọc nhằn giữa thời con người xếp hàng cùng cho ngựa. Ôi nỗi khổ đôi khi lên tiếng hát / bởi từ lâu đời thiếu những niềm vui. Bây giờ sau ba mươi năm trong trí còn đọng lại nhiều hình ảnh. Cảnh cha Ralph lái chiếc xe kiểu xe Jeep cổ lỗ sỉ băng băng qua những cánh đồng cỏ ngập vàng màu cỏ cháy với những đàn cừu trôi mình trong nắng, những con kangaroo lẩn mình xa xa dưới bóng chiều tàn. Cảnh cha Ralph cõng bé Meggie dạo chơi trên cánh đồng. Hình ảnh một buổi sáng cô bé Meggie nói với cha Ralph mình bị chảy máu ở âm hộ và tỏ ý vô cùng sợ hãi, cha Ralph đã an ủi cô bé và cho biết đó là hiện tượng bình thường  của người thiếu nữ. Rồi cảnh người nông dân Úc cắt lông cừu, cảnh đồn điền mía bạt ngàn, cảnh ngôi nhà bên bờ biển  và những giây phúc hoan lạc của Cha với Meggie. Có thể nói sách và phim đã đêm đến cho mình những cảm xúc thẩm mỹ không quên. Nay nhà văn đã ra đi, không còn nghe tiếng chim hót trong bụi mận gai, chỉ còn tiếng sóng biển thiên thu dội về từ bờ Norfolk.
(Tổng hợp)
NXT

Saturday, January 24, 2015

NGƯỜI TA Ở BỂN…



Đỗ Hồng Ngọc

 

 
trần vấn lệ. minh họa đinhcường

bạn có qua cồn Thới Sơn
người ta ở bển…

(Trần Vấn Lệ)


bạn nhắn nhờ thăm người ta ở bển
cồn Thới Sơn giữa dòng Mekong
ta lặn lội trăm lần tìm kiếm
ngược xuôi khắp ngả chằng chịt bóng dừa xanh.
sông rạch quanh co lách con thuyền nhỏ
bập bềnh sóng nước phương Nam

bạn dặn người ta mười bảy
tóc chải mượt dầu dừa
môi thơm mùi kẹo
nước da trắng muốt
nhờ tắm nước dừa xiêm
ta lang thang kiếm tìm
gặp ai cũng hỏi
những cô gái Thới Sơn
má hồng hây hẩy
lắc đầu quầy quậy
hổng quen!

cho đến một hôm trời cũng chiều lòng
có một cô răng khểnh,
bẻ gẫy sừng trâu,
rất xinh
đúng là người xưa của bạn
nàng nhìn ta đôi mắt long lanh
khi ta nhắc tên,
nàng ôm chầm lấy ta rồi kêu to
ngoại ơi ngoại ơi…
trần vấn lệ
ổng dìa nè!

Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon, 22.01.2015)

TRUYỆN NGẮN Ý NHI



Đợi tuyết
 
Minh họa của Thúy Hằng

Khi ông đến được trước căn nhà nhỏ của bà, ngày vừa rạng. Ông đưa tay toan gõ cửa, bỗng dừng lại, nhìn sững chiếc khóa nhỏ. Một cơn đau thắt ngực khiến ông phải ngồi xuống bậc thềm, lục tìm trong chiếc túi xách tay chai nước và vỉ thuốc, chợt nhớ lại ánh nhìn kỳ lạ của người xe ôm khi ông nói địa chỉ cần đến. Có thể ông ta biết rằng chủ nhà đã mất và căn nhà hiện chẳng có ai trông nom. Thị trấn quá nhỏ bé, người ta gần như đều là họ hàng thân thích, là hàng xóm, láng giềng của nhau. Đã hơn một năm trôi qua khi ông nhận được dòng tin ngắn ngủi từ người bạn: “Ng đã mất”.

Năm năm trước ông về quê ăn Tết. Sau mấy ngày quây quần với cô bác, anh em, con cháu, ông quyết định đi thăm người bạn cũ sống cách nhà ông hơn một trăm cây số. Người cùng làng, học cùng lớp cho đến hết phổ thông, hai chàng trai thân nhau như hình với bóng, có lúc lại còn cùng mê một cô bạn học xinh đẹp. Ông hí húi làm thơ, ngày nào cũng tìm cách dúi vào tay người đẹp những bài thơ nhỏ thắm thiết, những lời thề non hẹn biển đắm đuối. Ấy vậy mà, chỉ một lần nghe cậu bạn vừa chơi guitar vừa hát bản tình ca thời thượng trong dịp liên hoan cuối năm, nàng đã xiêu lòng. Là hai đấng nam nhi, họ vẫn thân thiết với nhau, dù ông chết cay chết đắng trong lòng khi phải âm thầm thừa nhận thua cuộc, chấp nhận sức mạnh kỳ lạ của âm nhạc. Ông thầm gầm gừ, rồi một ngày nào đó, mấy người sẽ biết đến sức mạnh của thơ. Đó là sóng ngầm. Sóng ngầm đấy, ông đay lại. Ông đã vượt qua cơn thất tình bằng lời tự trấn an ngây thơ đó.
Bẵng đi mấy chục năm lưu lạc, mỗi người mỗi phương trời, nay ông mới biết tin người bạn hiện đang sống ở N. Vợ bạn đã mất (không biết có phải cô gái năm xưa ông từng yêu), gia cảnh sa sút, con cái ở xa. Ông không báo trước. Ông muốn một cuộc gặp bất ngờ. Muốn nhìn thấy người bạn trong khung cảnh thật nhất, trong trạng thái tinh thần, trong vóc dạng thật nhất.
Và rồi, ông trông thấy một người đàn ông cao gầy, tóc bạc, đang bắc ghế ngồi trước cửa nhà, lơ đãng nhìn ra con đường vắng. Người đàn ông ngẩng lên, hơi nhíu mày rồi chợt kêu to, T hả, mày đó hả. Tao linh cảm hôm nay có khách nên mới ngồi sẵn đây. Thật lạ lùng, giọng người bạn vẫn âm vang, khỏe khoắn như thuở nào. Ông bước tới, đặt hai tay lên đôi vai gầy gò, ờ, ờ, tao đây. Rồi cả hai chợt im lặng. Họ không có đủ lời cho cuộc trùng phùng.

Ông ở chơi với bạn ba ngày, đó là một phần ba số thời gian ông có của chuyến về quê. Sau bữa cơm đạm bạc, hai người kê ghế ra sân ngồi uống trà. Trong lúc ông còn chưa biết bắt đầu câu chuyện ra sao thì người bạn dặng hắng rồi hỏi, sao vợ chồng mày lại mỗi người mỗi ngả. Tao hỏi thật nhé, sống với một phụ nữ Tây Âu có khó lắm không. Ông đỏ mặt, một phần vì không ngờ người bạn cũ biết đến cả chuyện riêng tư của mình, một phần vì ông bị mất thế chủ động – cái thế mà ông tin rằng mình có, khi đến thăm bạn. Phải uống hết chén trà thứ hai ông mới chậm rãi nói, cũng chẳng có chi khác biệt nhiều, nhất là hồi còn trẻ. Tuổi trẻ khỏa lấp hết mọi thứ. Chỉ đến khi về già, khi cuộc đời mỗi người cứ thu dần lại, các điều bất ưng mới xuất hiện. Tỷ như, mình hút thuốc, để mẩu tàn sai chỗ là đủ thành chuyện. Ở ta, người vợ sẽ nhặt cái tàn, càu nhàu một chút, còn ở đó là một cuộc tranh luận, có khi nảy lửa. Thiên hạ hay nói đến xung đột văn hóa, cũng không biết có đúng không nhưng mọi việc cứ như vậy hoài thành ra căng thẳng, mệt mỏi. Thôi thì mỗi người một nơi cho nhẹ nhàng. Bọn tao vẫn là bạn mà. Người bạn thở ra, vậy cũng tốt, cũng văn minh. Ông đang đợi một câu hỏi khác, về lương bổng, nhà cửa, xe cộ gì đó nhưng người bạn cười to, hóa ra mày vẫn mê văn chương như hồi nào nhỉ. Thi thoảng tao cũng đọc bài này bài khác của mày. Viết hay lắm, khúc chiết mà không lạnh lẽo, tình cảm mà vẫn mực thước… Vẫn là mày như thuở nhỏ. Bạn cười khục một tiếng, chỉ có hồi mê H là mày điên điên thôi. Ông cười theo nhưng không dám hỏi thêm về H. Cũng không dám hỏi về cuộc đời của bạn. Ông đã biết quá ít. Ông thấy xấu hổ vì mình đã hờ hững đến thế trước số phận của người bạn.
Sáng ngày thứ hai, bạn ông dậy sớm, rủ ông đi uống cà phê ở quán vỉa hè, mày đã về đây, phải sống như tao đang sống. Tao không có lý do gì để chiều mày với những thứ sang trọng mày thì đã có thừa mà tao thì không có điều kiện. Hắn vẫn thế, ngạo nghễ, bộc trực. Biết đâu điều khiến H mê hắn không chỉ là âm nhạc. Người ta dễ chi hiểu được một con người, một mối tình, ông bước sau bạn trên đoạn đường lát gạch lởm khởm, nghĩ thầm. Ông đâu biết, ý nghĩ đó đã vận vào chính cuộc đời ông, ngay trong những ngày ngắn ngủi ấy.
Hai người đến nơi thì đã có ba người bạn của bạn ngồi đó, dưới bóng cây trứng cá xòe tán tròn như một chiếc dù lớn. Họ bắt tay ông, tự nhiên như đã từng quen, không e dè, không vồ vập. Kiểu tiếp đón khiến ông cảm thấy thoải mái. Ngoại trừ câu hỏi của một ông có bộ ria bạc cắt tỉa cẩn thận, ngồi tựa lưng vào thân cây, về các sinh hoạt văn hóa ở xứ người, tất cả bọn họ đều say sưa với đề tài tình hình kinh tế hiện tại của đất nước. Ông nhận ra vẻ hài lòng của bạn qua ánh nhìn hơi nheo lại khi thấy ông hòa nhập dễ dàng với đám bạn của mình. Họ chia tay vui vẻ, hẹn một cuộc gặp vào buổi tối tại nhà ông để ria, ông K, ông ta tự giới thiệu khi chia tay.
Nhà ông K có một gian ngoài khá rộng, bàn ghế đầy đủ, có vẻ được dùng cho việc tụ hội bạn bè. Khi hai người đến thì đoạn khai mào đã xong, có một người đang ngâm bài Thư cho chị của Nguyễn Bính, theo cách ngâm của người Bắc. Ông ngồi xuống chiếc ghế trống, bên cạnh một phụ nữ. Buổi sáng thì bàn chuyện kinh tế, buổi tối thì đàn địch, ca hát, kỳ lạ thật, ông mỉm cười. Ông gần như giật mình khi nghe thấy tiếng hát được cất lên từ người phụ nữ ngồi kề bên. Gửi gió cho mây ngàn bay của Đoàn Chuẩn lung linh, chao đảo trong giọng hát ấm áp, truyền cảm. Hình như chưa bao giờ mình được nghe một giọng hát chân tình đến thế này, ông thầm nghĩ. Khi người phụ nữ dứt lời, ông nói khẽ, cám ơn chị nhiều lắm. Ông không nghe thấy lời đáp. Ông quay sang thì thấy người phụ nữ đang lặng lẽ khóc. Bối rối, ông lại nói, tôi xin lỗi. Người phụ nữ ngẩng lên, nói khẽ, không có chi.
Từ lúc đó ông không còn tâm trí để tham dự tối vui, kể cả tiết mục guitar của bạn. Trên đường về, hai người lẳng lặng đi bên nhau. Bạn ông dặng hắng, mày đã thấy sức mạnh của âm nhạc chưa. Đừng gầm gừ trong lòng nữa nhé. Hóa ra hồi đó mày biết cả tiếng gầm gừ của tao ư. Ông cười, giả lảng. Nhưng người bạn không tha, tao nhìn thấy vẻ thẫn thờ của mày khi nghe nàng hát rồi. Tao nghĩ bụng, chuyến này khéo thằng bạn của mình ngắc ngoải chứ chẳng chơi. Ông xuýt xoa, sao cuối xuân rồi mà còn lạnh thế này, cố thoát khỏi câu chuyện. Thế nhưng, như một chàng trai bồng bột, chỉ bước thêm vài bước, ông đã nóng nảy, này, mà nàng là ai vậy. Là người ở đầu ngã tư kia, là bạn hát đôi với tao. Còn cần thông tin gì nữa không. Ông im lặng. Ông đã cảm thấy khúc ngoặt ngay trước mặt mình. Ông muốn tránh.
Cả đêm, ông nằm quay mặt ra cửa sổ, nhìn vào khoảng trời âm âm, lạnh lẽo, không sao chợp mắt, lúc thì nghe văng vẳng lời ca… lúc thì nhìn thấy giọt nước mắt trên khuôn mặt xinh đẹp của người phụ nữ. Gần sáng thì bạn trở dậy pha trà, húng hắng ho, không ngủ được phải không. Uống trà cho tỉnh táo đã. Chuyện đâu còn có đó thôi mà. Cách nay khoảng hai mươi năm, dân thị trấn thấy một người phụ nữ còn trẻ dắt díu hai đứa con nhỏ về tìm nơi cư ngụ. Thời buổi loạn ly, kẻ xuôi kẻ ngược, người vào người ra, đó cũng là sự thường, chẳng ai thắc mắc dòm dỏ chi. Cô ta thuê gian nhà nhỏ, đặt chiếc máy may ngay gần cửa, gắn một tấm bảng hiệu đơn sơ: May, sửa quần áo phụ nữ, trẻ em. Cô ấy khéo tay, lại cần cù, chăm chỉ nên khách ngày một đông. Cô ấy nuôi cho hai đứa nhỏ ăn học tử tế. Nay thì chúng nó có chồng có vợ, rủ nhau vào Nam sinh sống. Người phát hiện ra giọng ca của cô ấy là bà vợ ông K. Bà ấy đến may áo, nghe cô ấy hát rồi mê luôn. Sau  khi các con đi xa, cô ấy mới thỉnh thoảng ghé lại chỗ bọn tao. Nghe đâu người chồng đi làm ăn đâu đó rồi biệt tích luôn. Hỏi sao không buồn được. Ông ngồi tựa vào lưng ghế, tay xoay xoay chén trà nóng, vẻ lơ đãng, rồi bất thần lên tiếng, thế suốt hai mươi năm cô ấy không làm bạn với ai ư. Người bạn lắc đầu, không, theo chỗ tao biết thì không. Kể cũng lạ thật.

Chiều ngày thứ ba, khi ông chuẩn bị ra bến xe thì người phụ nữ bỗng xuất hiện, vẻ lo lắng. Hóa ra, đứa con gái của nàng cần một chỗ làm ở xưởng may mà người chủ lại là em họ của người bạn. Bạn ông hồ hởi, chuyện không nhỏ mà cũng chẳng lớn, chắc tôi giúp được. Vừa nói ông ta vừa nhấc ghế mời người phụ nữ, cô ngồi xuống đây uống chén nước. Chỗ quen biết mà mấy khi cô thư thả để ngồi hàn huyên với nhau. Ông mỉm cười, nhận ra sự lắm lời khác thường của người bạn. Ông muốn chen vào một câu thăm hỏi cho phải phép nhưng không thốt nên lời. Người bạn quay sang ông, giọng đầy dụng ý, mà này, bạn tôi hồn xiêu phách lạc khi nghe cô hát đấy. Ông đỏ mặt. Người phụ nữ đứng dậy, dạ, cám ơn anh, em mà hát hò ra chi. Thôi, em xin phép. Khi người phụ nữ ra đến cửa, ông bỗng đứng bật dậy, thưa chị, à, thưa cô, tôi có thể được nghe cô một lần nữa không. Người phụ nữ vẻ lưỡng lự, nhìn chủ nhà. Chủ nhà cười lớn, Why not. Cô nhận lời đi. Có khi chỉ có một lần này rồi không bao giờ chúng ta còn gặp lại nhau nữa. Người phụ nữ cúi đầu, vâng. Rất khẽ khàng.

Một đêm cho ba người. Một đêm tràn đầy Biệt ly, Bến xuân, Dư âm, Thiên thai, Ngậm ngùi, Ngàn trùng xa cách… Một đêm đong đầy tâm hồn họ những tiếc thương, nhớ nhung, mong mỏi. Khi Ng (tên người phụ nữ) ra về, thị trấn đã ngủ yên. Ông nói, tôi thật may mắn khi gặp em.
Ông quyết định ở thêm một ngày nữa, trừ vào số thời gian cho những cuộc tụ hội bạn bè ở thành phố phương Nam, những cuộc tụ hội được ông chờ đợi từ rất lâu. Khi chia tay ông hẹn sẽ trở về. Ông đọc thấy ánh ngờ vực trong đôi mắt của hai người, bạn ông và Ng. Nhưng hai năm tiếp theo, năm nào ông cũng trở về và dành gần hết thời gian có được cho Ng.

… Em lấy chồng năm mười sáu tuổi. Chồng em là một người thích cuộc sống rày đây mai đó. Có lẽ vì vậy mà cha mẹ anh ấy muốn anh ấy lấy vợ sớm. Em mồ côi cha mẹ, sống với người dì. Dì cũng muốn em có nơi có chốn, cho yên phận. Lúc đầu thì cũng tạm ổn nhưng chẳng được bao lâu. Thỉnh thoảng anh ấy lại bỏ nhà ra đi. Đi đâu, làm gì, chẳng ai biết. Sau  khi em sinh cháu thứ hai thì anh ấy đi hẳn, bặt tin luôn. Em cứ sống vậy, lo cho cha mẹ chồng, lo cho con nhỏ. Khi ông bà mất đi, cực quá, em dắt con về đây kiếm sống. Cứ cắm mặt kiếm cơm, đâu có nghĩ chi được mà biết đến tuổi trẻ, biết đến hạnh phúc hả anh… Anh không giấu gì em, anh đã từng hạnh phúc nhưng là một thứ hạnh phúc khác hẳn với hạnh phúc hôm nay. Ngồi nhìn những người phụ nữ mang vải vóc đến cho em, nghe em trao đổi với họ về kiểu cọ, về màu sắc, nghe họ reo lên khi nhìn thấy chiếc áo em vừa may, nghe em hát khe khẽ khi cúi mình trên chiếc máy khâu, nhìn thấy đường ngôi trên mái tóc đen dày của em, nhìn vẻ chăm chú trên những đường may của em, nhìn em nhặt rau, nhìn em vo gạo, nhìn em bày thức ăn trên chiếc mâm đồng cũ… anh cảm động đến ứa nước mắt… Mọi người bảo em lì lợm, chồng bỏ, mẹ con nheo nhóc, thiếu ăn, thiếu mặc cứ im lặng chịu đựng, chẳng than thân trách phận, cũng chẳng nhờ vả ai. Có kẻ tán tỉnh em không được, rêu rao với mọi người em là thứ đàn bà lòng lim dạ sắt. Vậy mà, không hiểu sao mỗi lần cất tiếng hát là nước mắt lại trào lên, không sao nín giữ được… Này, anh bắt đầu nghi ngờ các thứ lý thuyết, các loại sách vở này nọ về hạnh phúc rồi đấy. Mọi thứ thật giản dị biết mấy, phải không em… Trời ơi, em có biết chi đâu. Chỉ biết là có anh, em thấy mình có chút giá trị, thấy mình tự tin vì có thể đem lại niềm vui cho ai đó. Hồi ba sắp nhỏ bỏ đi, em thấy sợ hãi, chới với… Ông đưa tay ngăn lại, thôi, đừng nghĩ nhiều đến chuyện cũ nữa, hãy tạ ơn trời Phật vì mình được như hôm nay… Bạn ông, người luôn bên cạnh họ, thốt lên, giọng ý nhị, đến tận tuổi này tôi mới hiểu mấy chữ: yêu là một biểu hiện của tài năng. Tôi quả chẳng có chút tài năng nào.

Ông đưa Ng về quê, vào thành phố phương Nam, ra thành phố phương Bắc. Ông hẹn sẽ thu xếp để bà đến nơi ông đang sống. Ng bảo, có lần, hồi còn trẻ, em nằm mơ thấy mình đến một nơi lạ. Nơi ấy đang mùa đông, tuyết trắng mênh mông, tuyết phủ kín những cành cây bên đường. Em vục tay trong tuyết mà không thấy lạnh. Em bước đi trên tuyết, bồng bềnh như đứa trẻ bước trong phòng chứa đầy những quả banh tròn vậy, trượt lên trượt xuống hoài hoài. Tỉnh dậy, em không biết vì sao mình lại mơ kỳ lạ đến vậy. Cả đời em có biết tuyết là thứ gì đâu. Ông bảo, hồi mới đến M, ông cũng có cảm giác sung sướng, ngỡ ngàng y như vậy khi lần đầu thấy tuyết. Hồi đó anh còn trẻ lắm, sau giờ học cứ lang thang ngoài trời, tối mù tối mịt mới trở về căn gác trọ lạnh lẽo, nơi ba đứa lưu học sinh thuê chung. Ông bảo sẽ thu xếp để bà có thể nhìn thấy tuyết. Thế nhưng mùa đông năm ấy ông phải vào bệnh viện do một chấn động về tim mạch. Sau đó là thời gian dưỡng bệnh tại nhà. Bác sĩ không cho phép ông bay chuyến bay đường dài.
Vừa dưỡng bệnh ông vừa lo chuẩn bị cho chuyến đi của Ng. Ông muốn bà đến vào ngày cuối thu để nhìn thấy những vườn cây thắm vàng và được đón những ngày đông đầu tiên, những bông tuyết đầu tiên. Ông gửi thư mời vào tháng năm, biết rằng ở quê, xử lý một hồ sơ như vậy tốn rất nhiều thời gian, công sức. Bồn chồn vì chờ đợi, ông gần như bỏ hẳn việc viết lách. Ông trở tới trở lui, đi qua đi lại các căn phòng, nhận ra các đồ vật trong nhà đã cũ và phủ đầy bụi, chợt nhớ từ ngày vợ dời đi, mình đã không mấy khi nhìn ngó đến chúng. Ông hì hụi khuân vác những đồ đạc cũ đem cất ngoài nhà kho, lại nhận ra nhà kho cũng đã chật ních các vật dụng, lại hì hụi phân loại, bỏ bớt các thứ ra hè phố, vào ngày quy định. Ông lang thang trong các cửa hàng điện máy, các cửa hàng bán đồ gia dụng để mua một ít đồ dùng nhà bếp và một chiếc lò sưởi mới, rồi đem đặt chiếc lò sưởi điện trong căn phòng có cửa sổ nhìn ra khu vườn nhỏ. Ng sẽ được nhìn thấy những bông tuyết trên cây lê và hai cây táo nơi góc vườn kia, ông nhủ thầm, mỉm cười một mình, lại tất tả ra vườn, dọn đám lá khô dồn đống dưới gốc cây… Ngày thật dài, ông nhủ thầm.
Giữa lúc các tin tức từ quê nhà cho biết mọi việc suôn sẻ, thậm chí đã có thể yên tâm đặt vé cho chuyến đi thì ông nhận hung tin. Ông đứng sững giữa phòng, tay cầm điện thoại, nghẹn thắt. Mà nếu có hỏi, người bạn cũng không thể cho biết thêm điều gì. Từ hai năm nay ông ấy đã chuyển lên cao nguyên ở cùng đứa con trai út. Vài tuần sau đó, khi lo xong tang lễ cho mẹ và đưa bà lên chùa, con gái của bà, một cô giáo cấp hai, gọi cho ông. Cô bảo, mẹ cháu ra đi khi đang may cho mình vài chiếc áo mới. Ngừng một chút, cô nói thêm, chắc để an ủi ông, mẹ cháu ra đi nhẹ nhàng, thanh thản bác ạ.
    Tựa mình vào cái trụ xi măng của mái hiên, ông nhìn ra đường phố vắng lặng của buổi sớm mai rồi thiếp đi trong mớ ý nghĩ lẫn lộn mơ hồ. Khi người hàng xóm của bà gọi ông dậy, ông nhìn thấy con Vàng nằm nép dưới chân mình. Người hàng xóm thở dài, từ hồi bà ấy mất, nó cứ quanh quẩn ở đây. Tôi gọi cho ăn, nó chỉ ăn tí chút để cầm hơi. Nghe nhắc đến mình, con Vàng ngước lên. Ông nhìn thấy đôi mắt mệt mỏi mờ đục của nó thấm đầy nước mắt. Ông ngồi xuống, vuốt nhè nhẹ dọc theo sống lưng gầy guộc trơ xương của nó. Nó khẽ rên một tiếng rồi ngã vật xuống bên thềm nhà, ngay chỗ ngày trước nó vẫn nằm canh cửa, chờ đợi chủ. Người hàng xóm vuốt nhẹ đôi mắt nó, giờ thì mày đã trả xong mọi thứ nợ nần trên cõi này rồi.
Ông đứng dậy, lấy mấy trái lê, mấy trái táo hái từ vườn nhà trước khi ra sân bay, đặt lên chiếc đĩa nhựa trên bàn thờ thiên, đứng lặng im hồi lâu, rồi bật nói, mùa đông năm rồi đến muộn nhưng tuyết nhiều lắm, tuyết phủ dày trên các nhánh cây, các mái nhà trong thành phố.
Ý Nhi.